Nguồn: Đào Nguyên
Kinh A Di Đà (Phạn: Sukhàvatyamrta-vỳuha) còn gọi là kinh Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm, kinh Chư Phật Sở Hộ Niệm, kinh Tiểu Vô Lượng Thọ, là một bản kinh ngắn của Phật giáo Bắc truyền, nhưng rất quan trọng đối với tín ngưỡng Tịnh độ, là một trong 3 bản kinh căn bản của tông Tịnh độ.
Kinh này trước sau có 3 bản Hán dịch:
– Bản 1: Do Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413) dịch vào năm 402 TL, đời Hậu Tần (384-417) với tên gọi là Kinh A Di Đà (Đại tạng kinh Đại Chánh tân tu – ĐTK/ĐCTT, tập 12, No366, 1 quyển, tr.346B-348B).
– Bản 2: Do Đại sư Cầu Na Bạt Đà La (394-468) dịch vào khoảng năm 454-456 TL đời Lưu Tống (420-478) mang tên Kinh Tiểu Vô Lượng Thọ. Bản này không còn lưu truyền.
– Bản 3: Do Pháp sư Huyền Tráng (602-664) dịch vào năm 650 TL đời Đường (618-906) mang tên Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ (ĐTK/ĐCTT, tập 12, No367, 1 quyển, tr.348B-351B).
Từ lâu, tông Tịnh độ đã truyền vào Việt Nam, tạo được ảnh hưởng lớn và kinh A Di Đà, qua bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập, đã trở nên quen thuộc với Phật tử Việt Nam(*). Nhưng bản kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ thì hầu như rất ít người biết đến. Ở bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu về bản kinh ấy.
I- Tên kinh:
Về tên kinh, Pháp sư Huyền Tráng dịch là: Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ: Bản kinh xưng dương tán thán về quốc độ thanh tịnh (thế giới Cực Lạc) được chư Phật nhiếp thọ (hộ niệm). Ở phần sau của kinh đã giải thích rất rõ về tên kinh: “Lại nữa, này Tôn giả Xá Lợi Tử! Do đâu kinh này gọi là Pháp môn xưng tán về công đức của cõi Phật không thể nghĩ bàn, được tất cả chư Phật nhiếp thọ (hộ niệm)? Này Xá Lợi Tử! Do trong kinh này đã xưng dương tán thán về công đức không thể nghĩ bàn nơi cõi Phật, tức thế giới Cực Lạc của Phật Vô Lượng Thọ. Và chư Phật Thế Tôn trong mười phương, vì muốn tạo phương tiện đem lại lợi ích an lạc cho các hữu tình, nên đều ở tại trụ xứ của mình, hiện bày đại thần biến, nói lời thành thật, khuyên các hữu tình tin nhận pháp này. Vì thế kinh này được mang tên như trên” (ĐTK, ĐCTT, T12, No367, tr.351A).
Pháp sư Huyền Tráng đã tóm lược từ sự giải thích ấy để dịch thành tên kinh như đã nêu. Đối chiếu với bản 1, Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch là Kinh A Di Đà, tức thể hiện sự tóm gọn, dùng tên vị Phật, giáo chủ thế giới Cực Lạc – cũng là nhân vật chính của kinh – làm tên kinh.
II- Pháp hội
1- Nơi chốn thuyết giảng kinh: Pháp sư Huyền Tráng đã dùng một lối phiên âm khác để ghi nhận về nơi chốn thuyết giảng kinh: Khu lâm viên Thệ Đa – Cấp Cô Độc, thuộc thành Thất La Phiệt. (Bản 1: Khu lâm viên Kỳ Đà – Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ).
2- Thành phần tham dự Pháp hội: Gồm:
– Chúng Đại Bí sô 1.250 vị hội đủ. 4 vị A la hán là bậc Thượng thủ: Xá Lợi Tử, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, A Nê Luật Đà. (Bản 1: Chúng Đại Tỳ kheo 1.250 vị hội đủ. Các vị A la hán tiêu biểu: 16 vị (ĐTK/ĐCTT, T12, No 366, tr.346B-C).
– Vô lượng Đại Bồ tát đều trụ nơi quả vị không thối chuyển, trang nghiêm bằng vô lượng công đức. 4 vị Đại Bồ tát Thượng thủ: Bồ tát Diệu Cát Tường, Bồ tát Vô Năng Thắng, Bồ tát Thường Tinh Tấn, Bồ tát Bất Hưu Tức. (Bản 1: 4 vị đại Bồ tát: Văn Thù Sư Lợi, A Dật Đa, Càn Đà Ha Đề, Thường Tinh Tấn).
– Các vị Thiên chủ như: Đế Thích, Đại Phạm Thiên Vương – chủ thế giới Kham Nhẫn (thế giới Ta bà), Tứ Thiên Vương hộ thế. Cùng vô số chúng Thiên tử, 8 bộ chúng Hộ pháp.
3- Vị Tôn giả được Đức Bạc Già Phạm (Bản 1: Phật) gọi để thuyết giảng kinh là Tôn giả Xá Lợi Tử. (Bản 1: Trưởng lão Xá Lợi Phất).
III- Tịnh độ
(Thế giới Cực Lạc):
1- Quốc độ thanh tịnh ấy ở về phương Tây, cách thế giới này trăm ngàn câu chi na dũ đa cõi Phật. (Bản 1: Hơn 10 vạn ức cõi Phật), tên là thế giới Cực Lạc, tức Phật giáo chủ thế giới ấy là Vô Lượng Thọ – Vô Lượng Quang Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, 10 tôn hiệu viên mãn. (Bản1: thế giới Cực Lạc, Đức Phật giáo chủ hiệu là A Di Đà).
2- Do 13 nhân duyên nên thế giới của Đức Phật ấy gọi là Cực Lạc:
– Thứ 1: Các loài hữu tình nơi thế giới ấy, thân tâm không có ưu khổ, chỉ có vô lượng hỷ lạc thanh tịnh.
– Thứ 2: Khắp nơi trong thế giới ấy đều có 7 lớp lan can báu, 7 lớp hàng cây đa la báu, 7 lớp lưới báu, giăng mắc 4 thứ báu là vàng, bạc, phệ lưu ly (lưu ly), phả chi ca (pha lê) tạo nên vẻ đẹp trang nghiêm.
– Thứ 3: Khắp chốn trong thế giới đó có nhiều ao nước do 7 thứ báu tạo thành, nước đủ 8 công đức đầy ắp nơi ao. Xung quanh ao có những cây báu hàng lớp đan xen, tỏa hương thơm phức, dùng 7 báu để trang nghiêm. Trong các ao luôn có vô số hoa sen đủ màu sắc, lớn như bánh xe. Màu sắc và ánh sáng kếp hợp hài hòa theo từng loại.
– Thứ 4: Nơi thế giới ấy tự nhiên thường có vô lượng kỹ nhạc vi diệu, âm lượng hòa nhã, rất đáng yêu thích. Các hữu tình nghe được thì những phiền não xấu ác thảy đều diệt trừ, vô số pháp thiện lần lượt tăng trưởng, mau chóng chứng đắc đạo quả Bồ đề vô thượng.
– Thứ 5: Khắp mặt đất nơi thế giới đó, đều do vàng ròng hợp thành khi tiếp xúc đều mềm mại, sáng rõ, thơm sạch, có vô số báu diệu đan xen, đẹp đẽ.
– Thứ 6: Trong thế giới ấy ngày đêm sáu thời thường mưa xuống vô số hoa trời thượng diệu, đủ màu sắc, thơm đẹp. Người trông thấy thân tâm vui thích nhưng không tham đắm, lại khiến cho các hữu tình tăng trưởng vô số công đức thù thắng. Các loài hữu tình ở đây, ngày đêm luôn dùng hoa ấy cúng dường Phật Vô Lượng Thọ. Vào lúc sáng sớm, các loài hữu tình ở đây đều mang các thứ hoa trời kia, chỉ trong khoảng một bữa ăn, bay đến vô lượng thế giới khác, cúng dường vô số chư Phật. Xong, trở về bản xứ, du hành nơi thiên trụ v.v…
– Thứ 7: Nơi thế giới đó, luôn có đủ các loại chim nhiều màu sắc kỳ diệu, đáng yêu thích. Ngày đêm sáu thời, các loài chim kia thường tụ tập phát ra âm thanh hòa nhã nêu rõ pháp diệu như Niệm trụ, Chánh đoạn, Thần túc, Căn, Lực, Giác đạo… Các chúng sanh ở đây được nghe âm thanh ấy đều đạt được vô số công đức niệm Phật Pháp Tăng huân tu nơi thân. Hết thảy các loài chim này đều do Đức Phật Vô Lượng Thọ biến hóa tạo ra, nhằm tuyên dương vô lượng pháp âm, tạo lợi ích an lạc cho các hữu tình.
– Thứ 8: Thế giới ấy thường có gió vi diệu thổi qua các hàng cây báu, các hàng lưới báu, phát ra âm thanh mầu nhiệm, ví như trăm ngàn thứ thiên nhạc đồng thời hòa tấu. Những âm thanh phát ra kia cũng thuyết giảng vô số pháp, khiến các chúng sanh nghe đều phát khởi vô lượng công đức như tác ý niệm Phật Pháp Tăng.
– Thứ 9: Nơi thế giới đó có vô lượng vô biên sự việc hết sức hy hữu không thể nghĩ bàn như vậy, giả sử trải qua trăm ngàn câu chi na dũ đa kiếp, dùng từng ấy lưỡi, trên mỗi mỗi lưỡi phát ra vô lượng âm thanh, tán thán về công đức kia cũng không thể hết.
– Thứ 10: Do nhân duyên gì, Đức Phật nơi thế giới ấy gọi là Vô Lượng Thọ? Vì Đức Như Lai ấy cùng các hữu tình có thọ mạng là vô lượng vô số đại kiếp. Đức Như Lai Vô Lượng Thọ chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Bồ đề Vô thượng, đến nay đã trải qua 10 đại kiếp. Đức Như Lai đó thường xuyên phóng ra vô lượng vô biên ánh sáng vi diệu, chiếu khắp tất cả cõi Phật trong mười phương, hiện hành Phật sự không bị chướng ngại, vì thế nên gọi là Vô Lượng Quang.
– Thứ 11: Đức Phật Vô Lượng Thọ nơi thế giới Cực Lạc ấy có vô lượng đệ tử Thanh văn, đều là bậc Đại A la hán, gồm đủ các công đức vi diệu, số lượng là vô biên không thể nêu, tính.
– Thứ 12: Đức Phật Vô Lượng Thọ trong thế giới Cực Lạc kia luôn có vô lượng đệ tử Bồ tát, hết thảy đều là bậc Nhất sanh sở hệ (Nhất sanh bổ xứ) gồm đủ các thứ công đức vi diệu, số lượng là vô biên không thể nêu tính, giả sử trải qua vô số kiếp tán thán về các công đức kia cũng không thể hết.
– Thứ 13: Nếu các hữu tình sanh nơi thế giới Cực Lạc ấy đều không thối chuyển, tất không còn rơi trở lại các nẻo ác hoặc sanh vào các chốn biên địa, sanh vào các tộc họ thấp kém mà thường du hành đến các quốc độ thanh tịnh của chư Phật, các hạnh nguyện thù thắng luôn được tăng tiến, quyết định sẽ chứng đắc đạo quả Bồ đề Vô thượng. (ĐTK/ĐCTT, T.12, N0367, trang 348C-349C).
Đối chiếu với bản 1, chúng tôi xin nêu một số ghi nhận:
– Thứ 1: Nơi bản 1, Pháp sư Cưu Ma La Thập chỉ nêu ra 2 nguyên do khiến quốc độ ấy được gọi là Cực Lạc:
+ Chúng sanh nơi cõi ấy không có các khổ, chỉ thọ nhận các thứ an lạc.
+ Quốc độ ấy có 7 lớp lan can, 7 lớp lưới giăng mắc, 7 lớp hàng cây, đều là 4 báu bao quanh, vây bọc.
Các chi tiết tiếp theo, với lối diễn đạt tóm gọn hơn, là nói về: “Quốc độ Cực Lạc đã thành tựu các công đức trang nghiêm như thế”. (ĐTK/ĐCTT, T.12, N0366, trang 346C-347B).
Từ nhân duyên thứ 2 đến nhân duyên thứ 13, Pháp sư Huyền Tráng cũng nói đến: “Trong cõi Phật ấy có các thứ đẹp đẽ, vi diệu, các công đức trang nghiêm như thế, hết sức đáng yêu thích”, và đều tóm kết: “Vì vậy nên gọi là thế giới Cực Lạc”.
– Thứ 2: Sự diễn đạt của Pháp sư Huyền Tráng là hết sức đầy đủ, quá chi tiết. Chẳng hạn:
+ Nói về thế giới Cực Lạc: “Trong cõi Phật thanh tịnh là thế giới Cực Lạc”. (Bản 1: Quốc độ Cực Lạc…).
+ Nói về vị Phật giáo chủ: “Trong thế giới ấy, Đức Thế Tôn tên là Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, 10 tôn hiệu viên mãn, hiện tại đang trụ trì an ổn, vì các hữu tình tuyên thuyết pháp hết sức sâu xa vi diệu, khiến họ đạt được những lợi ích an lạc thù thắng”. (Bản 2: Nơi quốc độ ấy có Đức Phật hiệu là A Di Đà, hiện tại đang thuyết pháp)…
– Thứ 3: Một vài đoạn người dịch còn dừng lại để giải thích, khiến cho sự diễn đạt trở nên dài dòng không cần thiết. Như:
+ Nói về các ao do 7 báu tạo thành, nước 8 công đức đầy ắp nơi ao: “Những gì gọi là nước có 8 công đức: Một là trong sạch. Hai là mát mẻ. Ba là ngon ngọt. Bốn là nhẹ nhàng mềm dịu. Năm là thắm đượm. Sáu là an hòa. Bảy là khi uống thì dứt trừ đói khát cùng vô số tai họa. Tám là uống rồi nhất định có thể nuôi lớn “bốn đại nơi các căn tăng trưởng vô số thiện căn thù thắng” (ĐTK/ĐCTT, T12, No367, tr.348C).
+ Nói về xung quanh ao có những cây báu hàng lớp đan xen, tỏa hương thơm phức, dùng 7 báu để trang nghiêm: “Nói 7 báu tức: Một là vàng, hai là bạc, ba là phệ lưu ly, bốn là phả chi ca…” (ĐTK/ĐCTT, T12, No367, tr.349A).
Tất nhiên, nơi nguyên bản tiếng Phạn có thể đã có sự giải thích như thế, nhưng người dịch vẫn có thể lược bỏ bớt, như bản 1 đã làm.
3- Các chúng sinh có duyên với thế giới Cực Lạc:
– Nếu các hữu tình được nghe nói về cõi Phật thanh tịnh, trang nghiêm bằng vô lượng công đức của Đức Phật Vô Lượng Thọ ở phương Tây, đều nên phát nguyện sinh về cõi Phật ấy. Vì nếu sinh về thế giới ấy thì được kết hợp với vô lượng công đức trang nghiêm như thế, cùng một pháp hội với các bậc Đại sĩ, thọ dụng vô lượng công đức nơi cõi Phật thanh tịnh đó, sự vui thích về pháp Đại thừa luôn không thối chuyển, các hạnh nguyện niệm niệm tăng tiến, mau chóng chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Bồ đề Vô thượng. Như vậy, phải là các Hữu tình có nhiều thiện căn mới được sinh về thế giới Cực Lạc kia (ĐTK/ĐCTT, T12, No367, tr.349C-350A).
– Nếu các hàng thiện nam thiện nữ có tín tâm thanh tịnh, được nghe giảng nói về thế giới Cực lạc với các công đức trang nghiêm của Đức Phật Vô Lượng Thọ với vô lượng vô biên công đức không thể nghĩ bàn như thế, nghe rồi tư duy, hoặc trong một ngày đêm cho đến 7 ngày đêm, buộc niệm không tán loạn, thì các thiện nam thiện nữ kia, lúc lâm chung sẽ được Phật Vô Lượng Thọ cùng vô lượng chúng đệ tử Thanh văn, Bồ tát trước sau vây quanh, hiện ra trước thiện nam, thiện nữ ấy, từ bi gia hộ, khiến tâm không loạn, sau khi qua đời, theo chúng hội Phật, sinh về thế giới Cực lạc. (ĐTK/ĐCTT, T12, No367, tr.350A).
IV- Chư Phật nhiếp thọ (Bản 1: Hộ niệm)
1- Lời khẳng định của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni:
– “Ta quán xét về đại sự nhân duyên là những lợi ích an lạc như thế nên nói lời thành thật: Nếu các thiện nam thiện nữ có tín tâm thanh tịnh được nghe giảng nói về danh hiệu Đức Phật Vô Lượng Thọ và thế giới Cực Lạc với các công đức không thể nghĩ bàn như thế, thì tất cả đều nên tin, thọ, phát nguyện, như thuyết tu hành, tất được sinh về cõi Phật ấy.
– “Như Ta hiện nay xưng dương tán thán Phật Vô Lượng Thọ với vô lượng vô biên công đức không thể nghĩ bàn thì chư Phật trong mười phương cũng vậy”.
2- Chư Phật nhiếp thọ (hộ niệm):
– Phương Đông: Có 5 vị Như Lai (Bất Động, Sơn Tràng, Đại Sơn, Sơn Quang, Diệu Tràng) tiêu biểu cho hằng hà sa số chư Phật trụ ở phương Đông. (Bản 1: 5 vị Phật tiêu biểu: A Súc Bệ, Tu Di Tướng, Đại Tu Di, Tu Di Quang, Diệu Âm).
– Phương Nam: Có 5 vị Như Lai (Nhựt Nguyệt Quang, Danh Xưng Quang, Đại Quang Uẩn, Mê Lô Quang, Vô Biên Tinh Tấn) tiêu biểu cho hằng hà sa số chư Phật trụ ở phương Nam. (Bản 1: 5 vị Phật tiêu biểu: Nhật Nguyệt Đăng, Danh Văn Quang, Đại Diệm Kiên, Tu Di Đăng, Vô Lượng Tinh Tấn).
– Phương Tây: Có 9 vị Như Lai (Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Uẩn, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Tràng, Đại Tự Tại, Đại Quang, Quang Diệm, Đại Bảo Tràng, Phóng Quang) tiêu biểu cho hằng hà sa số chư Phật trú ở phương Tây. (Bản 1: 7 vị Phật tiêu biểu: Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Tướng, Vô Lượng Tràng, Đại Quang, Đại Minh, Bảo Tướng, Tịnh Quang).
– Phương Bắc: Có 5 vị Như Lai (Vô Lượng Quang Nghiêm Thông Đạt Giác Huệ, Vô Lượng Thiên Cổ Chấn Đại Diệu Âm, Đại Uẩn, Quang Võng, Sa La Đế Vương) tiêu biểu cho hằng hà sa số chư Phật trú ở phương Bắc. (Bản 1: 5 vị Phật tiêu biểu: Diệm Kiên, Tối Thắng Âm, Nan Trở, Nhật Sanh, Võng Minh).
– Phương dưới: Có 9 vị Như Lai (Thị Hiện Nhất Thiết Diệu Pháp Chánh Lý Thường Phóng Hỏa Vương Thắng Đức Quang Minh, Sư Tử, Danh Xưng, Dự Quang, Chánh Pháp, Diệu Pháp, Pháp Tràng, Công Đức Hữu, Công Đức Hiệu) tiêu biểu cho hằng hà sa số chư Phật trụ ở phương dưới. (Bản 1: 6 vị Phật tiêu biểu: Sư Tử, Danh Văn, Danh Quang, Đạt Ma, Pháp Tràng, Trì Pháp).
– Phương trên: Có 5 vị Như Lai (Phạm Âm, Túc Vương, Hương Quang, Như Hồng Liên Hoa Thắng Đức, Thị Hiện Nhất Thiết Nghĩa Lợi) tiêu biểu cho hằng hà sa số chư Phật trụ ở phương trên. (Bản 1: 10 vị Phật tiêu biểu: Phạm Âm, Túc Vương, Hương Thượng, Hương Quang, Đại Diệm Kiên, Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân, Sa La Thọ Vương, Bảo Hoa Đức, Kiến Nhất Thiết Nghĩa, Như Tu Di Sơn).
– Phương Đông Nam: Có 1 vị Như Lai (Tối Thượng Quảng Đại Vân Lôi Âm Vương) tiêu biểu cho hằng hà sa số chư Phật trụ ở phương Đông Nam.
– Phương Tây Nam: Có 1 vị Như Lai (Tối Thượng Nhật Quang Danh Xưng Công Đức) tiêu biểu cho hằng hà sa số chư Phật trụ ở phương Tây Nam.
– Phương Tây Bắc: Có 1 vị Như Lai (Vô Lượng Công Đức Hỏa Vương Quang Minh) tiêu biểu cho hằng hà sa số chư Phật trụ ở phương Tây Bắc.
– Phương Đông Bắc: Có 1 vị Như Lai (Vô Số Bách Thiên Câu Chi Quảng Huệ) tiêu biểu cho hằng hà sa số chư Phật trụ ở phương Đông Bắc. (Bản 1: Không có nói đến 4 phương Đông Nam, Tây Nam, Tây Bắc, Đông Bắc).
Như thế là có 42 vị Phật tiêu biểu cho hằng hà sa số chư Phật trú trong 10 phương. (Bản 1: 38 vị Phật nơi 6 phương), mỗi mỗi vị, từ nơi trụ xứ của mình, đều thị hiện tướng lưỡi dài rộng, che khắp Tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật: “Hữu tình các vị, đều nên tin, nhận pháp môn xưng tán công đức của cõi Phật không thể nghĩ bàn, được tất cả chư Phật nhiếp thọ (hộ niệm)” (ĐTK/ĐCTT, T12, No367, tr.350A-351A).
3- Tóm kết:
* Giải thích rõ về tên kinh: Vì sao kinh này gọi là Pháp môn Xưng tán công đức của cõi Phật không thể nghĩ bàn, được hết thảy chư Phật nhiếp thọ? (đã nêu ở trước).
* Xác nhận sự hộ niệm của mười hằng hà sa số chư Phật trong mười phương đối với:
a) Những thiện nam thiện nữ, hoặc đã được nghe kinh ấy, hoặc sẽ được nghe, hoặc đang được nghe, nghe rồi sinh tin hiểu. Nhờ sự hộ niệm kia, nên các thiện nam thiện nữ này sẽ như thuyết tu hành, đạt được không thối chuyển nơi đạo quả Bồ đề Vô thượng, nhất định sinh nơi thế giới Cực Lạc của Phật Vô Lượng Thọ.
b) Những thiện nam thiện nữ, đối với thế giới Cực Lạc của Phật Vô Lượng Thọ, hoặc đã phát nguyện sinh đến, hoặc sẽ phát nguyện, hoặc đang phát nguyện. Nhờ sự hộ niệm kia, nên các thiện nam thiện nữ này như thuyết tu hành, đối với đạo quả Bồ đề Vô thượng không còn thối chuyển, nhất định được sinh về thế giới ấy.
* Làm rõ hạnh nguyện độ sinh của Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng là lý do giảng nói kinh này: Như hiện tại Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xưng tán về công đức của cõi Phật không thể nghĩ bàn, là thế giới Cực Lạc của Phật Vô Lượng Thọ, thì chư Phật Thế Tôn trong mười phương cũng xưng tán vô biên công đức không thể nghĩ bàn của Phật Thích Ca Mâu Ni, đều nói: “Thật vô cùng hy hữu! Phật Thích Ca tịch tĩnh! Thích Ca Pháp vương, 10 tôn hiệu gồm đủ, mới có thể ở nơi thế giới Kham Nhẫn, vào thời đại có cả 5 thứ uế trược (kiếp trược, hữu tình trược, phiền não trược, kiến trược, mạng trược), chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Bồ đề Vô thượng, vì nhằm tạo phương tiện đem lại lợi ích an lạc cho các hữu tình, nên đã thuyết giảng pháp hết sức khó tin này, là điều vô cùng hy hữu, bất khả tư nghì.
Như vậy, nơi thế giới Kham Nhẫn tạp nhiễm, vào thời đại có cả năm thứ uế trược xấu ác, nếu có các thiện nam thiện nữ với tín tâm thanh tịnh, nghe thuyết giảng pháp hết sức khó tin, đối với tất cả thế gian kia, mà có thể sinh khởi tin hiểu, thọ trì, diễn nói, như giáo tu tập, nên biết những thiện nam thiện nữ ấy là hết sức ít có, đã từng gieo trồng căn lành nơi vô lượng trụ xứ của Phật. Những vị ấy mạng chung, tất sinh về thế giới Cực Lạc nơi phương Tây, thọ dụng vô số công đức trang nghiêm nơi cõi Phật thanh tịnh, vui thích pháp Đại thừa, ngày đêm sáu thời, thân cận cúng dường Phật Vô Lượng Thọ, du hành cúng dường chư Phật khắp mười phương, tư lương phước huệ mau được viên mãn, chóng chứng đắc đạo quả Bồ đề Vô thượng” (ĐTK/ĐCTT, T12, No367, tr.351A-B).
Pháp hội kết thúc…
Pháp sư Huyền Tráng không chỉ dịch những bộ kinh, luận đồ sộ như: Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (No220, ĐTK/ĐCTT, T5, T6, T7, 600 quyển), Luận A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa (No 1545, ĐTK/ĐCTT, T27, 200 quyển), Luận Du Già Sư Địa (No1579, ĐTK/ĐCTT, T30, 100 quyển), mà còn dịch hàng chục bản kinh ngắn, rất ngắn, như: Kinh Duyên Khởi (No124, ĐTK/ĐCTT, T2, 1 quyển), Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (No251, ĐTK/ĐCTT, T8, 1 quyển), kinh Hiển Vô Biên Phật Độ Công Đức (No289, ĐTK/ĐCTT, T10, 1 quyển), kinh Thọ Trì Thất Phật Danh Hiệu Sở Sanh Công Đức (No436, ĐTK/ĐCTT, T14, 1 quyển), kinh Như Lai Thị Giáo Thắng Quân Vương (No515, ĐTK/ĐCTT, T14, 1 quyển), kinh Thiên Thỉnh Vấn (No592, ĐTK/ĐCTT, T14, 1 quyển), kinh Thậm Hy Hữu, kinh Tối Vô Tỷ (No689, No691, ĐTK/ĐCTT, T16, 1 quyển) v.v… Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ tuy không phổ biến bằng kinh A Di Đà, nhưng cũng là một đóng góp về dịch thuật rất đáng trân trọng của Pháp sư Huyền Tráng, đã cung cấp thêm một số chi tiết giúp chúng ta hiểu thêm về ý nghĩa của kinh A Di Đà, về hạnh nguyện độ sinh của Phật Thích Ca Mâu Ni…
(*) Các bản Sớ giải kinh A Di Đà ở Trung Hoa, kể cả Đại sư Khuy Cơ, cũng đều sớ giải theo bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập (xem các No từ 1755 -> 1762, T37, ĐTK/ĐCTT).
Nguồn: Trang nhà Quảng Đức